Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thơ Goethe - Hoa hồng hoang


Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 23/2/1832) – nhà bác học, nhà tư tưởng, nhà thơ Đức, tác giả của Faust vĩ đại.

Goethe sáng tạo trong nhiều thể loại khác nhau: thơ, kịch, sử thi, tự truyện v.v. Goethe trở thành nhà tư tưởng chính của phong trào “Bão tố và Xung kích” (Sturm und Drang) – một trào lưu nghệ thuật nổi bật của Đức ở thế kỷ XVIII và là một trong những trào lưu nghệ thuật nổi tiếng và quan trọng nhất của thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment). Cùng với Friedrich SchillerJohann Gottfried Herder và Christoph Martin Wieland, ông đã hình thành một xu hướng mới trong văn học Đức, được gọi là “Chủ nghĩa cổ điển Weimar” (Weimar Classicism). Tiểu thuyết “Những năm tháng học nghề của Wilhelm Meister” (Wilhelm Meisters Lehrjahre) của Goethe đã đặt nền móng cho tiểu thuyết giáo dục của thời kỳ Khai sáng. Các tác phẩm của Goethe, đặc biệt là bi kịch “Faust”, được công nhận là kiệt tác của văn học Đức và thế giới. 

Tiểu sử:
Goethe sinh ở Frankfurt am Main. trong ngôi nhà mà ngày nay là bảo tàng có tên gọi là “Ngôi nhà Goethe” (Goethe-Haus). Bố là Johann Caspar Goethe, một vị quan của triều đình, mẹ là Catharina Elisabeth Textor, con gái của Thị trưởng thành phố. Từ nhỏ được bố và các thầy tư dạy các môn học phổ thông và các thứ tiếng: Đức, Hy Lạp, Latinh, Anh, Pháp, Ý, Do Thái... Goethe yêu thích hội họa và văn chương từ bé, 8 tuổi đã biết làm thơ. 

Từ năm 1765 đến năm 1768, Goethe học luật ở Đại học Leipzig nhưng ông tỏ ra không thích môn luật mà chỉ yêu thích thơ ca. Thời kỳ này Goethe yêu cô Anna Katharina Schönkopf và làm nhiều bài thơ tặng cô gái này. Năm 1767 ông xuất bản tập thơ đầu tiên: Cuốn sách Annette (Das Buch Annette), một số bài thơ ông viết thời kỳ này bị thất lạc vì ông không lưu lại. Năm 1768 ông trở về Frankfurt và bị bệnh, phải nằm viện một thời gian dài. Năm 1770 ông quay lại học Đại học luật ở Strasbourg và tốt nghiệp năm 1771. Ở đây, ông gặp và kết bạn với Johann Gottfried Herder, người có sự ảnh hưởng đến việc phát triển tài năng của Goethe sau này. Chính Herder là người đã khơi dậy lòng yêu thích Shakespeare, Ossian và thơ ca dân gian ở Goethe. Trong một chuyến đi về làng Sesenheim, Goethe đem lòng yêu mến cô Friederike Brion, nhiều bài thơ nổi tiếng như: Gặp gỡ và chia ly (Willkommen und Abschied); Khúc hát tháng năm (Mailied), được viết trong thời kỳ này.

Những năm từ 1775 đến 1785, Goethe sống ở Weimar, vừa là bạn, vừa là cố vấn cho quận công Karl August, ông tham gia vào nhiều công việc quan trọng trong bộ tài chính, bộ giao thông và nghiên cứu nhiều môn khoa học khác ngoài thơ ca. Thời gian này ông hai lần đi sang Ý du lịch và nghiên cứu các nhà thơ cổ La Mã. Năm 1794 ông kết bạn với Friedrich Schiller và chủ yếu sống ở Weimar

Năm 1806, một lần dạo chơi trong công viên ở Weimar, Goethe gặp người đẹp Christiane Vulpius, chính xác hơn là người đẹp đã bước đến nhờ Goethe đọc thơ của anh trai mình. Thơ của anh trai không hay nhưng Christiane Vulpius rất đẹp, và con tim nhà thơ đã rung động. Cuộc hôn nhân của ông với Christiane Vulpius là nguồn cảm hứng cho ông viết Những khúc bi ca La Mã (Römische Elegien, 1790) và nhiều bài thơ tình nổi tiếng. 


Ngoài thơ (gần 1600 bài), Goethe còn viết tiểu thuyết, truyện, giai thoại và danh ngôn... Đỉnh cao sáng tạo của ông là kiệt tác Faust”, tác phẩm mà ông viết xong vào những ngày tháng cuối của cuộc đời mình. 


Goethe mất ở Weimar ngày 22 tháng 3 năm 1832. Cháu nội và là hậu duệ cuối cùng của nhà thơ vĩ đại là Walther Wolfgang von Goethe (1818 – 1885), cũng như em trai và em gái của ông, không có con cháu nối dõi. Trên bia mộ của người cháu nội này có khắc dòng chữ: “Cùng với ông, triều đại Goethe đã kết thúc, cái tên còn tồn tại mãi” (Mit ihm erlosch Goethes Geschlecht, dessen Name alle Zeiten überdauert/ With him ends Goethe's dynasty, the name will last forever). 

Tác phẩm chính:
– Cuốn sách Annette (Das Buch Annette)
– Clavigo (Clavigo1774)
– Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther1774)
– Torquato Tasso (Torquato Tasso, 1780-1789)
– Chúa rừng (Der Erlkönig, 1782)
– Egmont (Egmont, 1788)
– Những khúc bi ca La Mã (Römische Elegien, 1790)
– Faust (Faust, 1774-1832)
– Lý thuyết màu sắc (Zur Farbenlehre, 1810)
– Divan Tây – Đông (West-östlicher Divan, 1819)




HOA HỒNG HOANG

Chàng trai thấy bông hồng 
Bông hồng giữa đồng hoang
Tuyệt vời như buổi sớm
Chàng vội vàng chạy đến
Niềm vui ngập cõi lòng
Bông hoa hồng đỏ thắm
Bông hồng giữa đồng hoang. 

Chàng nói: “Ta ngắt em
Bông hồng giữa đồng hoang”
Hoa rằng: “Gai đâm buốt
Để chàng nhớ về em
Mặc dù em chẳng thích”
Bông hoa hồng đỏ rực
Bông hồng giữa đồng hoang. 

Chàng trai bẻ bông hồng
Bông hồng giữa đồng hoang
Hoa dùng gai chống lại
Nhưng làm sao cản nổi
Cố gắng chỉ hoài công
Bông hoa hồng đỏ chói
Bông hồng giữa đồng hoang.


Heideröslein 

Sah ein Knab ein Röslein stehn, 
Röslein auf der Heiden, 
War so jung und morgenschön, 
Lief er schnell, es nah zu sehn, 
Sah's mit vielen Freuden. 
Röslein, Röslein, Röslein rot, 
Röslein auf der Heiden. 

Knabe sprach: „Ich breche dich, 
Röslein auf der Heiden!“ 
Röslein sprach: „Ich steche dich, 
Dass du ewig denkst an mich, 
Und ich will's nicht leiden.“ 
Röslein, Röslein, Röslein rot, 
Röslein auf der Heiden. 

Und der wilde Knabe brach 
S Röslein auf der Heiden; 
Röslein wehrte sich und stach, 
Half ihm doch kein Weh und Ach, 
Musst es eben leiden. 
Röslein, Röslein, Röslein rot, 
Röslein auf der Heiden.


CHÚA RỪNG

Người phóng ngựa dưới sương, trong rừng tối
Trong tay người đứa con trai bé dại
Người vỗ về, sưởi ấm đứa con trai
Đứa con sợ hãi, nức nở khôn nguôi.

“Con trai ơi sao con lo lắng vậy?”
“Chúa rừng trước mắt con, cha có thấy?
Ngài đội vương miện, khoác áo choàng đen?”
“Con ơi đấy là chiếc bóng trong sương”.

“Con trai ơi, con hãy nghe lời cha
Nhiều niềm vui trong xứ sở bao la
Hoa cỏ, bạc vàng cùng bao châu ngọc
Và trong rương có bao quần áo đẹp”

“Cha ơi Chúa rừng ghé bên tai con
Rằng nhiều niềm vui, châu báu, bạc vàng”
“Con ơi đấy đâu phải lời của Chúa
Mà tiếng lá rì rào theo ngọn gió”.

Về theo cha, dưới bóng mát cây sồi
Con sẽ gặp những chị gái tuyệt vời
Trên sông Reihn có các nàng tiên cá
Sẽ múa hát, ru con vào giấc ngủ”.

“Cha ơi cha có nhìn thấy Chúa rừng
Gọi các nàng tiên từ trong bóng đêm?”
Không đâu con ơi, cha nhìn thấy hết
Những cây ánh bạc cúi mình xuống đất”.

“Cha yêu con, vẻ đẹp quyến rũ cha
Cha sẽ dùng sức mạnh nếu không nghe”.
“Cha ơi, cha ơi Chúa rừng đã tới
Ngài ôm choàng làm con không thở nổi!”

Người cha sợ hãi, thúc ngựa vội vàng
Trong tay người đứa bé đang kêu rên...
Về đến nhà với vẻ đầy gấp gáp
Và đứa con trên tay người đã chết.


Erlkönig

Wer reitet so spät durch Nacht und Wind ?
Es ist der Vater mit seinem Kind;
Er hat den Knaben wohl in dem Arm,
Er faßt ihn sicher, er hält ihn warm.

"Mein Sohn, was birgst du so bang dein Gesicht?"
"Siehst Vater, du den Erlkönig nicht?
Den Erlenkönig mit Kron und Schweif?"
"Mein Sohn, es ist ein Nebelstreif"

"Du liebes Kind, komm, geh mit mir!
Gar schöne Spiele spiel ich mit dir;
Manch bunte Blumen sind an dem Strand,
Meine Mutter hat manch gülden Gewand."

"Mein Vater, mein Vater, und hörest du nicht,
Was Erlenkönig mir leise verspricht?"
"Sei ruhig, bleibe ruhig, mein Kind
In dürren Blättern säuselt der Wind"

"Willst, feiner Knabe, du mit mir gehn?
Meine Töchter sollen dich warten schon;
Meine Töchter führen den nächtlichen Reihn
Und wiegen und tanzen und singen dich ein."

"Mein Vater, mein Vater, und siehst du nicht dort
Erlkönigs Töchter am düstern Ort?"
"Mein Sohn, mein Sohn, ich seh es genau:
Es scheinen die alten Weiden so grau."

"Ich liebe dich, mich reizt deine schöne Gestalt;
Und bist du nicht willig, so brauch ich Gewalt."
"Mein Vater, mein Vater, jetzt faßt er mich an!
Erlkönig hat mir ein Leids getan!"

Dem Vater grauset's, er reitet geschwind,
Er hält in den Armen das ächzende Kind,
Erreicht den Hof mit Mühe und Not;
In seinen Armen das Kind war tot.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét