Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thơ Goethe - Khúc ca ban chiều


Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 23/2/1832) – nhà bác học, nhà tư tưởng, nhà thơ Đức, tác giả của Faust vĩ đại.

Goethe sáng tạo trong nhiều thể loại khác nhau: thơ, kịch, sử thi, tự truyện v.v. Goethe trở thành nhà tư tưởng chính của phong trào “Bão tố và Xung kích” (Sturm und Drang) – một trào lưu nghệ thuật nổi bật của Đức ở thế kỷ XVIII và là một trong những trào lưu nghệ thuật nổi tiếng và quan trọng nhất của thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment). Cùng với Friedrich SchillerJohann Gottfried Herder và Christoph Martin Wieland, ông đã hình thành một xu hướng mới trong văn học Đức, được gọi là “Chủ nghĩa cổ điển Weimar” (Weimar Classicism). Tiểu thuyết “Những năm tháng học nghề của Wilhelm Meister” (Wilhelm Meisters Lehrjahre) của Goethe đã đặt nền móng cho tiểu thuyết giáo dục của thời kỳ Khai sáng. Các tác phẩm của Goethe, đặc biệt là bi kịch “Faust”, được công nhận là kiệt tác của văn học Đức và thế giới. 

Tiểu sử:

Goethe sinh ở Frankfurt am Main. trong ngôi nhà mà ngày nay là bảo tàng có tên gọi là “Ngôi nhà Goethe” (Goethe-Haus). Bố là Johann Caspar Goethe, một vị quan của triều đình, mẹ là Catharina Elisabeth Textor, con gái của Thị trưởng thành phố. Từ nhỏ được bố và các thầy tư dạy các môn học phổ thông và các thứ tiếng: Đức, Hy Lạp, Latinh, Anh, Pháp, Ý, Do Thái... Goethe yêu thích hội họa và văn chương từ bé, 8 tuổi đã biết làm thơ. 

Từ năm 1765 đến năm 1768, Goethe học luật ở Đại học Leipzig nhưng ông tỏ ra không thích môn luật mà chỉ yêu thích thơ ca. Thời kỳ này Goethe yêu cô Anna Katharina Schönkopf và làm nhiều bài thơ tặng cô gái này. Năm 1767 ông xuất bản tập thơ đầu tiên: Cuốn sách Annette (Das Buch Annette), một số bài thơ ông viết thời kỳ này bị thất lạc vì ông không lưu lại. Năm 1768 ông trở về Frankfurt và bị bệnh, phải nằm viện một thời gian dài. Năm 1770 ông quay lại học Đại học luật ở Strasbourg và tốt nghiệp năm 1771. Ở đây, ông gặp và kết bạn với Johann Gottfried Herder, người có sự ảnh hưởng đến việc phát triển tài năng của Goethe sau này. Chính Herder là người đã khơi dậy lòng yêu thích Shakespeare, Ossian và thơ ca dân gian ở Goethe. Trong một chuyến đi về làng Sesenheim, Goethe đem lòng yêu mến cô Friederike Brion, nhiều bài thơ nổi tiếng như: Gặp gỡ và chia ly (Willkommen und Abschied); Khúc hát tháng năm (Mailied), được viết trong thời kỳ này.

Những năm từ 1775 đến 1785, Goethe sống ở Weimar, vừa là bạn, vừa là cố vấn cho quận công Karl August, ông tham gia vào nhiều công việc quan trọng trong bộ tài chính, bộ giao thông và nghiên cứu nhiều môn khoa học khác ngoài thơ ca. Thời gian này ông hai lần đi sang Ý du lịch và nghiên cứu các nhà thơ cổ La Mã. Năm 1794 ông kết bạn với Friedrich Schiller và chủ yếu sống ở Weimar

Năm 1806, một lần dạo chơi trong công viên ở Weimar, Goethe gặp người đẹp Christiane Vulpius, chính xác hơn là người đẹp đã bước đến nhờ Goethe đọc thơ của anh trai mình. Thơ của anh trai không hay nhưng Christiane Vulpius rất đẹp, và con tim nhà thơ đã rung động. Cuộc hôn nhân của ông với Christiane Vulpius là nguồn cảm hứng cho ông viết Những khúc bi ca La Mã (Römische Elegien, 1790) và nhiều bài thơ tình nổi tiếng. 

Ngoài thơ (gần 1600 bài), Goethe còn viết tiểu thuyết, truyện, giai thoại và danh ngôn... Đỉnh cao sáng tạo của ông là kiệt tác Faust”, tác phẩm mà ông viết xong vào những ngày tháng cuối của cuộc đời mình. 

Goethe mất ở Weimar ngày 22 tháng 3 năm 1832. Cháu nội và là hậu duệ cuối cùng của nhà thơ vĩ đại là Walther Wolfgang von Goethe (1818 – 1885), cũng như em trai và em gái của ông, không có con cháu nối dõi. Trên bia mộ của người cháu nội này có khắc dòng chữ: “Cùng với ông, triều đại Goethe đã kết thúc, cái tên còn tồn tại mãi” (Mit ihm erlosch Goethes Geschlecht, dessen Name alle Zeiten überdauert/ With him ends Goethe's dynasty, the name will last forever). 

Tác phẩm chính:

– Cuốn sách Annette (Das Buch Annette)
– Clavigo (Clavigo1774)
– Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther1774)
– Torquato Tasso (Torquato Tasso, 1780-1789)
– Chúa rừng (Der Erlkönig, 1782)
– Egmont (Egmont, 1788)
– Những khúc bi ca La Mã (Römische Elegien, 1790)
– Faust (Faust, 1774-1832)
– Lý thuyết màu sắc (Zur Farbenlehre, 1810)
– Divan Tây – Đông (West-östlicher Divan, 1819)



LỜI CHÀO CỦA HỒN XƯA

Từ tháp cổ bên sông
Thấy con thuyền đơn lẻ
Hồn một thuở vẫy vùng
Nhắn lời cùng hậu thế:

“Thân xác ta đã từng
Cùng con tim, khối óc
Mạnh mẽ tận trong xương
Và chén đầy đã rót.

Nửa đời trên sóng nước
Giờ nghỉ trong yên bình.
Hãy đi về phía trước
Và cứ thế, luôn luôn!”

Geistes-Gruß

Hoch auf dem alten Turme steht
Des Helden edler Geist,
Der, wie das Schiff vorübergeht,
Es wohl zu fahren heißt:

"Sieh, diese Sonne war so stark,
Dies Herz so fest und wild,
Die Knochen voll von Rittermark,
Der Becher angefüllt;

Mein halbes Leben stürmt ich fort,
Verdehnt die Hälft in Ruh,
Und du, du Menschenschifflein dort,
Fahr immer, immer zu!"
  

TÌM THẤY

Tôi bước đi vô rừng
Chỉ đơn giản cho mình
Không kiếm tìm gì cả
Mục đích chẳng đi tìm.

Tôi thấy trong bóng râm
Một cây hoa đứng đấy
Như đôi mắt hút hồn
Như ngôi sao nhấp nháy.

Tôi định đưa tay bẻ
Nhưng cây hoa thầm thĩ:
“Ta phải chết rồi sao
Số phận ta là thế?”

Tôi bèn nghĩ ra cách
Đào cây hoa cả gốc
Rồi mang về khu vườn
Bên cạnh ngôi nhà đẹp.

Tôi trồng hoa lần nữa
Ở một nơi lặng lẽ
Giờ cây tốt tươi, và
Nở hoa như trước đó.

Gefunden

Ich ging im Walde
So vor mich hin,
Und nichts zu suchen,
Das war mein Sinn.

Im Schatten sah ich
Ein Blümlein stehn,
Wie Sterne blinkend,
Wie Äuglein schön.

Ich wollt es brechen,
Da sagt' es fein:
Soll ich zum Welken
Gebrochen sein?

Mit allen Wurzeln
Hob ich es aus,
Und trugs zum Garten
Am hübschen Haus.

Ich pflanzt es wieder
Am kühlen Ort;
Nun zweigt und blüht es
Mir immer fort.



KHÚC CA BAN CHIỀU CỦA NGƯỜI THỢ SĂN

Anh rảo bước giữa cánh đồng hoang vắng
Súng trong tay anh đã bật khóa nòng.
Thế mà hình bóng dịu dàng của em
Rất ngọt ngào trước mắt anh bỗng hiện. 

Anh không biết rằng trong phút dịu êm
Khi trên đồng nhẹ nhàng em rảo bước
Thì hình bóng của anh rất tội nghiệp
Có hiện về trong mơ ước của em?

Con người sống trên thế gian đau khổ
Anh đã từng khắp mọi nẻo lang thang
Đường về phía tây, đường về phía đông
Nhưng con đường đi về em chẳng có. 

Một ý nghĩ về em đang vây lấy
Rõ ràng như trăng sáng giữa trời đêm
Cõi lòng anh tràn ngập sự bình yên
Không biết điều gì với anh đã xảy. 

Jägers Abendlied

Im Felde schleich ich still und wild, 
Gespannt mein Feuerrohr, 
Da schwebt so licht Dein liebes Bild, 
Dein süßes Bild mir vor. 

Du wandelst jetzt wohl still und mild 
Durch Feld und liebes Tal, 
Und ach, mein schnell verrauschend Bild, 
Stellt sich Dirs nicht einmal? 

Des Menschen, der die Welt durchstreift 
Voll Unmut und Verdruss, 
Nach Osten und nach Westen schweift, 
Weil er Dich lassen muss. 

Mir ist es, denk ich nur an Dich, 
Als in den Mond zu sehn; 
Ein stiller Friede kommt auf mich, 
Weiß nicht, wie mir geschehn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét